Ngày 1-1-2017, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có một bước chuyển quan trọng khi được chuyển giao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Thời điểm quản lý, cả nước có 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường CĐ nghề, 583 trung cấp nghề.
Nâng chất lượng đào tạo
Ngày 26-2-2025, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT. Theo đó, nhiều vụ, cục của Bộ GD-ĐT đã được bỏ bớt hoặc sáp nhập, từ 23 đơn vị xuống còn 18 đơn vị. Trong đó, Vụ Giáo dục thường xuyên và Tổng cục GDNN sẽ sáp nhập thành Cục GDNN và Giáo dục thường xuyên.
Điều này đồng nghĩa, sau 8 năm thay đổi cơ quan quản lý, từ ngày 1-3-2025, các trường nghề sẽ quay trở lại thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.
ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (quận 10, TP HCM), bày tỏ việc quản lý tập trung, thu về một mối là Bộ GD-ĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc liên thông các cấp học. Giúp học sinh, sinh viên dễ dàng chuyển tiếp từ trung cấp lên cao đẳng, đại học. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở GDNN hợp tác chặt chẽ hơn với các trường ĐH, tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và là nguồn tuyển sinh của các trường ĐH. Đồng thời, khi trở thành "con" của Bộ GD-ĐT sẽ giúp nâng cao uy tín của nhà trường.
Cùng góc nhìn, TS Châu Văn Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng việc thống nhất quản lý GDNN về Bộ GD-ĐT được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công tác tuyển sinh của các trường CĐ và trung cấp. Ngoài tăng cường tính liên thông và đồng bộ, thay đổi này sẽ giúp các trường đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
"Trước đây, các trường nghề phải thực hiện nhiều thủ tục với cả 2 bộ, gây chậm trễ trong công tác tuyển sinh. Khi thống nhất quản lý, các thủ tục sẽ được đơn giản hóa, giúp các trường tập trung hơn vào chất lượng đào tạo và thu hút thí sinh" - TS Bảo nhìn nhận.
Các chuyên gia cho rằng ở mỗi giai đoạn, GDNN có những thế mạnh nhất định. Khi Bộ LĐ-TB-XH tiếp quản, trường nghề dễ dàng liên kết với thị trường lao động, hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp và có thể điều chỉnh chương trình đào tạo nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Còn với Bộ GD-ĐT, kinh nghiệm lâu năm trong việc quản lý hệ thống giáo dục của bộ này sẽ giúp các trường nghề bảo đảm chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn chung của hệ thống giáo dục quốc dân.
"Khi chuyển GDNN về Bộ GD- ĐT quản lý thì cần phải xác định lại mục tiêu đào tạo. Bộ GD-ĐT muốn đào tạo lao động có kỹ năng thực hành cao, đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp, hay muốn đào tạo ra những người có kiến thức nền tảng vững chắc, có khả năng thích ứng với nhiều công việc khác nhau?" - ThS Trần Phương nêu vấn đề.
Cần có sự điều chỉnh toàn diện
Là người từng tham gia vào công tác quản lý và xây dựng các chương trình đào tạo nghề, NGƯT - ThS Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TP HCM, cho rằng sự thay đổi này không chỉ đòi hỏi một lộ trình rõ ràng mà còn cần sự cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía: cơ quan quản lý và các cơ sở đào tạo.
Việc chuyển giao quản lý nhà nước về GDNN từ Bộ LĐ-TB-XH sang Bộ GD-ĐT cần được nhìn nhận trong bối cảnh tổng thể. Chủ trương tinh gọn bộ máy và cải cách hành chính của Đảng và Chính phủ không chỉ nhằm giảm đầu mối quản lý mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất, liên thông và chuẩn hóa.
Nguồn tin: nld.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn